Tháng 2 hàng năm vẫn được coi là thời kì thấp điểm nhất của thị trường oto Việt Nam. Nguyên nhân là bởi đây là khoảng thời gian trùng với kì nghỉ Tết Nguyên Đán. Người tiêu dùng thường lựa chọn mua xe cuối năm. Vì thế, nhu cầu sở hữu xế hộp thời điểm này là rất thấp. Tuy nhiên, trong năm nay, doanh số oto dường như còn biến động mạnh mẽ hơn nữa. Các doanh nghiệp kinh doanh và hãng xe đều chịu chung tình cảnh “ế ẩm” này.
Vậy, đâu là nguyên nhân chính tác động đến sức mua của người dân? Những yếu tố nào đã tác động mạnh mẽ đến thị trường oto như vậy? Tình hình ngành công nghiệp oto trong những tháng tiếp theo sẽ ra sao? Đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường và nhiều doanh nghiệp phải “cầm cự”.Các hãng xe và nhà nước sẽ có những chính sách nào để kích cầu tiêu dùng trở lại? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu về thực trạng này. Đồng thời, lắng nghe những chuyên gia phân tích, chia sẻ và dự đoán thị trường trong những tháng tới bạn nhé.
Mục lục
Doanh số oto giảm mạnh trong tháng 2
Chiều 11/3, Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán xe của các đơn vị thành viên. Trong tháng 2/2021, lượng oto bán ra đạt tổng cộng 13.585 xe các loại. Con số này đã giảm 22% so với tháng 1/2021.
Trong tổng doanh số trên, có 6.939 xe du lịch, 3.767 xe thương mại và 179 xe chuyên dụng. Như vậy, doanh số bán xe thương mại và xe chuyên dụng trong tháng 2 vừa qua đã giảm lần lượt 34% và 39%. Đáng chú ý, xe du lịch còn giảm đến 53% so với tháng 1/2021.
Về nguồn gốc, doanh số bán xe lắp ráp trong nước đạt 8.610 xe, giảm 41%. Trong khi đó, doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt 4.975 xe, giảm đến 58% so với tháng 1/2020.
Nhưng doanh số 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng ổn định!
Tuy nhiên, doanh số bán của các đơn vị thành viên VAMA trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 40.017 xe các loại, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch tăng 19%. Xe thương mại tăng 28%. Còn xe chuyên dụng giảm 15%.
Thế nhưng, theo giới chuyên môn, doanh số trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có sự tham gia của các thương hiệu oto châu Âu và châu Mỹ. Ví dụ như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo… Tuy nhiên, các đơn vị này không tiết lộ doanh số bán hàng.
Chỉ tính riêng TC Motor (đại diện của thương hiệu Hyundai Thành Công) – đơn vị không phải là thành viên của VAMA trong tháng 2 vừa qua có doanh số bán 3.021 xe và VinFast cũng có doanh số bán 1.718 xe.
Tính chung doanh số công bố chính thức từ VAMA, TC Motor và VinFast, trong tháng 2/2021 thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 18.324 xe ô tô các loại.
Mẫu xe dẫn đầu cũng sụt giảm doanh số
Dẫn đầu doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô tại thị trường Việt Nam trong tháng 2 vừa qua tiếp tục là Hyundai (TC Motor) khi tiêu thụ được 3.021 xe. Tiếp đến là các thương hiệu Kia 2.488 xe, Toyota 2.411 xe, VinFast 1.718 xe, Mazda 1.440 xe, Honda 1.281 xe, Ford 1.094 xe…
Về mẫu xe bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 2 vừa qua chỉ có VinFast Fadil và Kia Seltos là hai mẫu xe hiếm hoi đạt doanh số bán hơn 1.000 xe. Trong khi đó, có khoảng gần 10 mẫu xe đã vượt qua con số này vào tháng trước.
Cụ thể, mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 2 vừa qua là VinFast Fadil với doanh số 1.090 xe. Tiếp đến là Kia Seltos với 1.012 xe được tiêu thụ.
Xếp sau các vị trí các mẫu trên là Hyundai Accent tiêu thụ được 915 xe. Ford Ranger tiêu thụ 770 xe. Toyota Corolla Cross bán được 726 xe. Mitsubishi Xpander có 630 xe. Honda City bán ra 613 xe. Toyota Vios đạt 554 chiếc. Mazda CX-5 bán ra 551 chiếc. Và xếp cuối cùng là Hyundai Grand i10 với 513 xe.
Điểm đáng chú ý, trong bối cảnh sức mua toàn thị trường giảm sút, nhưng VinFast Fadil lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu toàn thị trường ô tô Việt Nam. Trong khi “Vua doanh số” Toyota Vios lại đang dần đánh mất vị thế. Trong tháng 2/2021, hãng xe này tiếp tục tụt hạng từ vị trí thứ 5 của tháng 1/2021 xuống vị trí thứ 8 trong Top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam.
Nguyên nhân doanh số oto tháng 2 giảm mạnh
Giới chuyên môn cũng nhìn nhận, doanh số oto toàn thị trường Việt Nam giảm mạnh trong tháng 2 do có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tháng 2 dương lịch trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài. Vì thế mà rất ít giao dịch mua bán diễn ra. Đây cũng là khoảng thời gian nghỉ lễ. Do đó, việc mua bán xe du lịch sẽ giảm cực kì mạnh.
Bên cạnh đó, tháng 2 cũng là thời điểm mà Nghị định số 70/2020/NĐ-CP kết thúc. Theo đó, khách hàng mua oto sau ngày 31/12/2020 sẽ không còn được giảm 50% lệ phí trước bạ. Vì thế, người dùng có thể tiết kiệm được từ 15-300 triệu đồng khi mua xe. Nghị định này chỉ áp dụng cho xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, nó cũng góp phần làm giảm đáng kể doanh số oto thị trường Việt. Đa số người dân cũng đã tranh thủ mua xe từ trước để được hưởng lợi. Do đó, đến thời điểm này họ không còn có nhu cầu nữa.
Ngoài ra, tác động từ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng khiến thị trường oto ảm đạm hơn. Người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu hơn cho việc mua sắm. Đồng thời, nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất để phòng tránh dịch. Cả cung và cầu đều giảm. Do đó, doanh số oto giảm mạnh như trên cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn: Bnews.vn