Nắng nóng, mưa bão và rét đậm là những kiểu thời tiết khiến ô tô dễ gặp phải “căn bệnh” lạ trong quá trình lái xe. Thời điểm này, việc chăm sóc và bảo dưỡng ô tô đúng cách phải được thực hiện thường xuyên để đảm bảo sự hoạt động ổn định của xe và tránh những tai nạn rủi ro không đáng có.
Ô tô cũng giống như con người, dễ gặp các vấn đề về sức khỏe khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là kiểu thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều của Việt Nam. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, các bộ phận bên trong xe thường có những biểu hiện lạ, việc nhựa và cao su từ các bộ phận trên xe bị co giãn không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn của các động cơ.
Vì vậy, trước khi nhiệt độ thời tiết không quá thấp, các chủ xe cần trang bị cho mình những kinh nghiệm cần thiết để bảo dưỡng và chăm sóc “xế cưng” của mình một cách hiệu quả nhất.
Sau đây là những tình huống có thể gặp phải khi nhiệt độ xuống quá thấp cũng như kỹ thuật chăm sóc, bảo dưỡng ô tô để tránh những sự cố không mong muốn.
Mục lục
Khởi động xe đúng cách vào mùa đông
Khởi động xe vào mùa đông là vấn đề rất nhiều người gặp phải do nhiên liệu bay hơi kém, khiến khả năng đốt cháy khó diễn ra. Để khắc phục điều này, các tài xế có thể kéo bướm gió để giảm không khí lọt vào động cơ, nhờ đó mà nhiên liệu sẽ dễ bay hơi hơn, giúp xe khởi động dễ dàng. Đối với xe sử dụng động cơ phun xăng điện tử, thường sẽ ít khi gặp hiện tượng này vì đã được thiết kế đặc biệt.
Ngoài ra, nhiệt độ thấp khiến dầu bôi trơn đặc hơn khi để xe qua đêm vì động cơ không hoạt động. Do đó, chủ xe có thể dùng dầu nhớt tổng hợp loãng vào mùa đông để động cơ dễ được bôi trơn hơn, việc khởi động sẽ dễ dàng.
Vệ sinh cần gạt mưa
Bên cạnh đó, cần gạt mưa có cấu tạo bởi lớp cao su ở bên ngoài nên cũng rất dễ bị “lão hóa” trong thời tiết lạnh. Theo các chuyên gia chăm sóc xe, người dùng nên thay cần gạt nước khoảng 6 tháng/lần. Đối với những nước dễ có tuyết rơi vào mùa đông thì cần gạt nước càng dễ bị đóng tuyết và xuống cấp nên phải được nâng niu hơn. Tuy nhiên, với khí hậu ở Việt Nam, ít có tuyết rơi nên các tài xế có thể yên tâm hơn nhưng cũng không được lơ là về bộ phận này khi chăm sóc và bảo dưỡng xe trong mùa đông.
Không để bờ mặt kính lái bị đóng băng
Ở những nơi như Sa Pa, Mẫu Sơn, Lạng Sơn khi nhiệt độ xuống quá thấp rất có thể xuất hiện băng giá kèm mưa. Khi gặp hiện tượng này, trên bề mặt kính lái rất dễ đóng những lớp băng gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát.
Để tránh hiện tượng này, chủ xe có thể lót một miếng giẻ dưới cần gạt nước để tránh đóng băng hoặc bật chế độ sưởi kính một thời gian trước khi lên đường.
Không để áp suất lốp quá cao và xem lại độ mòn rãnh lốp
Khi xuất hiện mưa kèm băng giá, mặt đường rất dễ trơn trượt. Nếu có thể, chủ xe nên chuyển sang dùng loại lốp xe mùa đông. So với lốp hè, lốp xe mùa đông có hợp chất cao su có thể giữ được độ mềm ở nhiệt độ thấp, đồng thời các rãnh cắt sâu hơn nhằm mang lại hiệu quả tối ưu trong điều kiện có băng giá.
Bên cạnh đó, tài xế không nên để áp suất lốp quá cao; nếu áp suất lốp quá cao sẽ làm giảm ma sát giữa lốp và mặt đất; đồng thời hiệu quả phanh sẽ yếu đi. Nếu mùa hè để cân nặng lốp đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất thì khi có băng giá; có thể giảm bớt 10%.
Đảm bảo bình ắc-quy luôn đầy
Tuổi thọ của ắc-quy trung bình khoảng 3 năm. Vào mùa đông, để khởi động xe sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn mùa hè; nên cần phải đảm bảo ắc-quy luôn đầy và trong tình trạng sẵn sàng sử dụng.
Để tránh xe không hoạt động, cần kiểm tra điện áp của ắc quy. Nếu giá trị điện áp đo được lớn hơn 12V thì ắc quy hoàn toàn bình thường. Nếu giá trị điện áp nhỏ hơn 12V, có thể ắc-quy không đủ. Nếu nó thấp hơn 10,5V, bạn có thể xem xét thay thế ắc-quy mới.
Khi trời lạnh khó khởi động, vì thế nên khởi động lại sau khoảng 30 giây một lần; tránh đánh lửa thường xuyên dễ làm hỏng bộ khởi động và cạn kiệt ắc quy. Để kéo dài tuổi thọ của ắc quy, hãy tắt các thiết bị điện công suất cao như đèn pha; dàn âm thanh trước khi đỗ xe.
Bảo dưỡng và chăm sóc hệ thống sưởi của xe
Hệ thống sưởi ấm trên ô tô dùng vào mùa đông cũng quan trọng như máy lạnh cho mùa hè. Để đảm bảo sự thoải mái khi lái xe, bạn nên mang xe đến đại lý chuyên nghiệp; để tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động của quạt; độ thông suốt của ống gió trong hệ thống sưởi của xe.
Hạn chế hiện tượng hấp hơi trên kính lái
Nhiệt độ thấp mùa đông khiến trên kính lái xuất hiện hơi nước ngưng tụ, gây mờ. Ngay khi bước lên xe, cách nhanh nhất để hết mờ kính là bật sưởi kính; nếu không có sưởi kính thì bật điều hòa; gió to và chỉnh hướng gió lên kính. Khoảng vài chục giây đến một phút kính sẽ khô hoàn toàn.
Thường xuyên vệ sinh nội thất
So với mùa hè, mùa đông thời tiết lạnh càng là điều kiện để bụi bẩn; ẩm mốc và vi khuẩn ký sinh trên nội thất xe phát triển nhanh; đặc biệt là với chất liệu da lộn, nỉ… Từ đó không chỉ gây mùi khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chính vì vậy, vào mùa đông càng nên tích cực vệ sinh nội thất xe như lau chùi bề mặt; hút bụi và tránh ăn uống bên trong xe.
Nguồn: vietnamnet.vn